Nhật Bản đã thu hút rất nhiều ý tưởng văn hóa từ các nước khác trong quá trình lịch sử, đồng thời Nhật Bản cũng đã phát triển được nền văn hoá độc đáo của chính mình trong tiến trình hội nhập thêm các điểm mới lạ của các nền văn hóa này. Cách sống Nhật Bản ngày nay là sự pha trộn phong phú của các nền văn hoá truyền thống châu Á có ảnh hưởng, cùng các nền văn hoá hiện đại bị ảnh hưởng bởi phương Tây.

Có thể nói, xứ sở hoa anh đào là vùng đất phát triển mạnh mẽ về nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Hiện nay, một số thể loại nghệ thuật được nhiều người biết đến đó là kabuki, bunraku, noh và kyogen. Hơn thế nữa, kabuki, noh và bunraku còn được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể.

Kịch múa kabuki Nhật Bản. Ảnh pinterest.com

Kabuki là một hình thức nghệ thuật sân khấu mang tính cổ điển rất phổ biến vào đầu thế kỷ 17. Cùng tính đặc trưng trong từng nhịp điệu trình diễn của các diễn viên, những bộ trang phục đầy kiêu kỳ, và những lớp trang điểm cực lộng lẫy (kumadori), đồng thời kết hợp với việc sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại, những hiệu ứng đặc biệt xuất sắc đã dần hiện ra trước mắt mỗi khán thính giả. Mỗi kiểu trang điểm không chỉ làm bật lên tính cách của nhân vật, mà còn xoáy sâu vào tâm trạng của nhân vật đó. Hầu hết các vở kịch được xây dựng dựa trên các chủ đề về thời trung cổ hoặc Edo. Ngoài ra, điều đặc biệt thú vị đối với hình thức nghệ thuật này, đó là tất cả các diễn viên, ngay cả những người đóng các vai nữ, đều là diễn viên nam giới.

Noh là hình thức nghệ thuật lâu đời nhất tại Nhật Bản. Câu chuyện âm nhạc được dàn dựng không chỉ qua những cuộc đối thoại thông thường, mà còn thông qua các hình thức kết hợp độc đáo khác như utai (hát), hayashi (nhạc đệm), và mai (nhảy). Một đặc điểm khác là nam diễn viên hàng đầu sẽ mặc một bộ y phục bằng lụa đầy màu sắc, kèm theo chiếc mặt nạ gỗ sơn mài tinh xảo. Chiếc mặt nạ đó chính là biểu tượng mô tả các nhân vật. Nhân vật đó có thể là một ông già, một phụ nữ trẻ tuổi hoặc đứng tuổi, một cậu bé, một vị thần hoặc thậm chí là một con ma.

Kyogen là một loại sân khấu hài kịch cổ điển được thực hiện với những hành động và đường nét biểu diễn được cách điệu theo một phong cách đầy khác biệt. Hình thức nghệ thuật này thường được trình diễn giữa các buổi trình diễn noh, mặc dù đôi khi nó được trình diễn theo cách thức riêng của nó.

Hình thức nghệ thuật Bunraku đã trở nên ngày càng phổ biến kể từ cuối thế kỷ 17. Đây là một loại hình rạp hát rối được thực hiện với sự kết hợp giữa ca hát và nhạc cụ trên shamisen (nhạc cụ ba dây). Bunraku được biết đến như một trong những hình thức múa rối tinh vi nhất của thế giới.

Ngoài các hình thức nghệ thuật sân khấu, Nhật Bản còn sở hữu cho riêng mình các loại hình nghệ thuật riêng biệt khác, chẳng hạn như trà đạo và ikebana, như là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật. Trà chay (sado hoặc chado) là một phương pháp chuẩn bị trà xanh đặc biệt của người Nhật. Đó là phương pháp nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế trong từng cách thức, và vốn kiến thức sâu rộng về văn hóa cũng như cách ứng xử. Bên cạnh đó, sado cũng giúp chúng ta tìm kiếm và khám phá thêm mục đích thiết thực trong cuộc sống hiện đại ngày nay.